Cads.Models.Service.NewsViewHome NewsViewHome

5 bước làm việc với ERP

20/10/2009 Số lần xem: 3303 Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning - ERP) tận dụng sức mạnh của máy tính và công nghệ để "gánh" giúp doanh nghiệp những công việc mang tính lặp đi lặp lại mà nếu con người thực hiện sẽ dễ phát sinh sai sót.
Tuy nhiên, để được "thảnh thơi", trước hết Ban giám đốc và nhân viên các bộ phận trong công ty phải bỏ công sức để "dạy" máy tính làm thay công việc của mình.
Bài viết này ghi lại kinh nghiệm xây dựng và triển khai hệ thống ERP của ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ nhiệm ICT Partnership, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm A-Z. Ông Tuấn và cộng sự đã có nhiều năm kinh nghiệm giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản trị kinh doanh.

  Theo ông Tuấn, các bước để Tin học hóa toàn bộ hoạt động Quản trị doanh nghiệp bao gồm :
  * Xác định mục tiêu - lập kế hoạch
  * Lựa chọn nhà cung cấp
  * Chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ và dữ liệu
  * Chạy thử
  * Huấn luyện sử dụng

1. Xác định mục tiêu - lập kế hoạch

Tìm hiểu bản thân là bước đầu tiên và quan trọng nhất quyết định kết quả ứng dụng ERP. Phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa các phòng ban và hiện trạng các phần mềm đang sử dụng thì doanh nghiệp mới có thể xác định được cần máy tính làm thay những việc gì và ở mức độ nào.

Mọi thành viên trong doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình này. Ban giám đốc cần cho biết hiện tại họ sử dụng những báo cáo nào để ra quyết định. Người phụ trách các phòng ban cần ghi lại các mối quan hệ và các thông tin trao đổi với nhau trong quá trình làm việc. Cả những nhân viên trực tiếp tác nghiệp cũng cần liệt kê các loại thông tin hằng ngày họ tiếp nhận, cách xử lý thông tin và những tình huống cần sửa đổi thông tin phát sinh từ thực tế.
Ngoài sổ sách, giấy tờ, hầu hết các công ty đều đã ứng dụng các phần mềm khác nhau để quản lý Kế toán - Tài chính, vật tư, bán hàng. Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu những chương trình này, cụ thể là tìm hiểu cách lưu trữ dữ liệu, cách xử lý - khai thác thông tin và giới hạn về tính năng của chúng. Từ đây, doanh nghiệp hoặc nhà cung cấp giải pháp ERP mới biết những phần mềm nào có thể tận dụng hay phải thiết kế mới.

Nghiên cứu về các phần mềm doanh nghiệp đang sử dụng cũng giúp ích khi doanh nghiệp tích hợp chúng vào hệ thống ERP mới. Trong trường hợp phải thiết kế mới toàn bộ, sự hiểu biết này cũng sẽ giúp doanh nghiệp hình dung được các bước phải làm để di chuyển dữ liệu từ các phần mềm cũ sang hệ thống mới.

Hiểu biết về bản thân mới chỉ là điều kiện cần để ứng dụng thành công ERP. Điều kiện đủ là doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình làm việc trước khi xây dựng hệ phần mềm ERP.

Việc xây dựng và triển khai một hệ thống gồm nhiều phần mềm cho toàn bộ các hoạt động kinh doanh đương nhiên sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp. Nếu chỉ tìm hiểu những quy trình hiện có rồi xây dựng các phần mềm theo những quy trình đó, doanh nghiệp chỉ mới dừng ở bước "nhờ" máy tính làm thay những gì họ đang làm.

Để nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh, bản thân doanh nghiệp phải cải tiến các quy trình quản lý, nghiệp vụ trước. Máy tính và phần mềm chỉ là công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.

Tóm lại, mục tiêu của bước đầu tiên để tiến đến ERP không chỉ là tìm hiểu cặn kẽ cách doanh nghiệp vận hành. Đó còn là việc nghiên cứu những giải pháp cải tiến, chuẩn hóa các quy trình hoạt động đã có và đưa ra các quy trình quản lý mới nếu cần thiết.

2. Lựa chọn nhà cung cấp - lập kế hoạch

Khi đã hiểu rõ mình cần gì, doanh nghiệp mới bắt đầu tiến hành bước thứ hai - chọn người thực hiện. Rõ ràng, doanh nghiệp có thể tự xây dựng hệ thống ERP cho riêng mình, nếu bộ phận CNTT có đủ khả năng. Nếu không, phải nhờ đến nhà cung cấp giải pháp ERP. Các nhà cung cấp thường có hai loại giải pháp: "đóng gói" và "may đo".

Các yếu tố doanh nghiệp cần lưu ý khi chọn nhà cung cấp là nhà cung cấp phải xác định được giới hạn của bài toán quản lý, nhân viên triển khai hiểu rõ tính năng của sản phẩm và phải có quy trình quản lý dự án - kiểm thử sản phẩm tốt.

Khi đã chọn được đối tác, doanh nghiệp cần chú ý tránh các vấn đề về phía mình có thể gây cản trở quá trình chuyển đổi sang hệ phần mềm ERP. Chẳng hạn, doanh nghiệp chưa định rõ được các quy trình, không nhất quán trong yêu cầu và chưa thiết lập được mối quan hệ giữa các bộ phận. Ngoài ra, cũng cần chú ý chuẩn bị dữ liệu đầy đủ và chuẩn bị tâm lý để nhân viên ở các bộ phận hợp tác tốt với nhà cung cấp giải pháp.

3. Chuẩn hóa quy trình và dữ liệu

Đối với một phần mềm ERP, việc chuẩn hóa quy trình là triển khai các đề xuất cải tiến ở bước một. Đó có thể là chỉnh sửa các tính năng có sẵn để đáp ứng đặc thù của một ngành, của doanh nghiệp hoặc viết thêm hệ thống xử lý thông tin riêng theo yêu cầu của doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật.

  Cụ thể, nhà cung cấp sẽ quyết định các biểu mẫu, báo cáo nào trong giải pháp của họ phù hợp với doanh nghiệp, cái nào cần bổ sung các mục thông tin cho phù hợp với tình hình doanh nghiệp. Họ có thể bổ sung thông tin để hoàn chỉnh một số biểu mẫu, báo cáo mà doanh nghiệp đang sử dụng. Ngoài ra, nhà cung cấp cũng sẽ xây dựng mới các biểu mẫu, báo cáo.

  Việc chuẩn hóa dữ liệu bao gồm việc chuyển dữ liệu từ các phần mềm cũ sang hệ thống ERP mới và đưa các dữ liệu phát sinh hàng ngày vào cơ sở dữ liệu.

4. Chạy thử

Chạy thử trước khi chính thức đưa vào hoạt động là để kiểm tra xem chương trình có chạy đúng với các số liệu giả định hay không. Hơn nữa, các chỉnh sửa, bổ sung mới triển khai cũng cần được kiểm tra xem có phối hợp nhịp nhàng với các thành phần khác của hệ thống hay không.

Ngoài ra, việc chạy thử còn giúp doanh nghiệp đánh giá tính tiện ích và tính ổn định của chương trình nhằm giảm thiểu những rắc rối có thể phát sinh về sau.

5. Huấn luyện sử dụng

Thông thường, nhà cung cấp giải pháp sẽ tổ chức các buổi huấn luyện sử dụng cho doanh nghiệp, cụ thể là cho ban giám đốc, các nhân viên trực tiếp tác nghiệp và nhân viên quản trị hệ thống.

Lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên quản trị hệ thống sẽ tìm hiểu mô hình tổ chức thông tin, quy trình xử lý thông tin, khả năng của các chương trình, cách tổ chức đảm bảo thông tin, các yếu tố ảnh hưởng và cách khai thác hệ thống. Ngoài ra, nhân viên quản trị còn học cách phát triển thêm các ứng dụng để mở rộng hệ thống, các biện pháp an toàn - an ninh dữ liệu và cách quản trị các chương trình, hệ điều hành và cơ sở dữ liệu.

Các nhân viên khai thác hệ thống sẽ học cách nhập liệu, chỉnh sửa dữ liệu và cách sử dụng có hiệu quả.

(Theo TBVTSG)


 

Tin liên quan